Ngôn ngữ

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Giải đáp thắc mắc thường gặp về Visa Mỹ

  • Visa công tác/du lịch/chữa bệnh
  • Visa du học
  • Visa du lịch và làm việc ở Mỹ trong dịp nghỉ hè (SWT)
  • Khách tham dự hội thảo APEC
  • Những thắc mắc về đơn DS-160
  • Chương trình làm lại visa qua đường bưu điện
  • Thu phí bằng tiền Việt Nam Đồng và thêm 7 điểm thu phí
  • Câu hỏi khác
Tôi không thể tham dự phỏng vấn như đã hẹn.  Tôi có thể xin phỏng vấn vào một ngày khác được không?
Có. Nếu vì bất kỳ một lý do nào đó mà bạn không thể đến phỏng vấn vào ngày đã hẹn, bạn chỉ cần thay đổi lịch phỏng vấn của mình qua hệ thống đặt hẹn phỏng vấn trên mạng tại trang web của Đại sứ quán Hoa Kỳ và in ra giấy xác nhận ngày hẹn mới. Bạn không cần phải liên hệ với Đại sứ quán Hoa Kỳ.
Tôi nói tiếng Anh không được tốt, tôi có thể phỏng vấn bằng tiếng Việt được không?
Có. Các viên chức Lãnh sự đều được đào tạo để phỏng vấn bằng tiếng Việt.  Chúng tôi cũng có phiên dịch là nhân viên địa phương.
Thân nhân hoặc luật sư đại diện của tôi được tham dự buổi phỏng vấn visa của tôi không?
Không.  Theo qui định chung được áp dụng toàn cầu, không có bên thứ ba nào được phép tham dự buổi phỏng vấn xin visa không định cư.


Các trung tâm dịch vụ visa có giúp tôi xin được visa không?
Không. Đừng tin bất kỳ người nào nếu họ nói họ có thể giúp bạn lấy được visa. Cũng đừng trả tiền làm giấy tờ giả mạo vì viên chức Lãnh sự được đào tạo kỹ năng phát hiện giấy tờ giả cũng như những lời khai man.
Như thế nào là “ràng buộc với Việt Nam”?
“Ràng buộc” ở đây là những khía cạnh trong cuộc sống ràng buộc đương đơn với nơi mình cư trú, bao gồm các mối quan hệ gia đình, công việc và sở hữu tài sản. Với những trường hợp đương đơn còn nhỏ tuổi, viên chức phỏng vấn sẽ xem xét về trình độ học vấn, bảng điểm, hoàn cảnh của cha mẹ của đương đơn và những kế hoạch trong tương lai cũng như triển vọng tiềm năng của đương đơn ở Việt Nam. Mỗi đương đơn có một hoàn cảnh khác nhau, nên sẽ không có một câu trả lời chung cho đương đơn để chứng minh mối ràng buộc này.
Nếu như tôi có một lá thư từ một người có chức quyền bảo đảm việc quay trở về Việt Nam của tôi, thì tôi có được cấp visa không?
Một lá thư từ người có chức quyền cũng không thể chứng minh mối ràng buộc của bạn với đất nước mà bạn đang cư trú.  Theo luật của Hoa Kỳ, mỗi đương đơn phải tự mình thuyết phục viên chức bằng chính khả năng của mình.
Có tốt hơn nếu tôi không khai rằng tôi có bà con thân thuộc đang sinh sống tại Hoa Kỳ, hoặc tôi có hồ sơ bảo lãnh định cư hoặc tôi đã bị từ chối visa trước đây? Sẽ có hậu quả gì nếu như tôi giấu giếm, không khai báo hoặc nộp giấy tờ giả mạo?
Khai báo thành thật và đầy đủ là tốt nhất. Chúng tôi cũng biết và hiểu rằng rất nhiều đương đơn có gia đình, họ hàng sinh sống tại Hoa Kỳ, nhưng họ chỉ muốn thăm viếng họ trong thời gian ngắn, hoặc đương đơn đang có hồ sơ bảo lãnh nhưng chưa có ý định định cư tại Hoa Kỳ vào thời điểm này. Do đó, tốt nhất bạn nên khai báo thành thật tình trạng của mình. Nếu viên chức phỏng vấn phát hiện đương đơn cố tình giấu giếm hoặc cung cấp thông tin sai lệch thì chắc chắn đơn xin cấp visa sẽ bị từ chối và trong một số trường hợp, đương đơn đó sẽ vĩnh viễn bị cấm không được nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Nếu tôi có tất cả giấy tờ, tôi có được cấp visa không? 

Không nhất thiết là như vậy. Viên chức phỏng vấn sẽ phải áp dụng điều khoản 214(b) của Luật di trú và nhập tịch Hoa Kỳ (INA) để quyết định xem đương đơn có đủ điều kiện được cấp visa không. Một phần điều khoản này nêu rằng:

Mỗi ngoại kiều (đương đơn xin visa) sẽ được coi như có ý định định cư cho đến khi đương đơn, vào thời điểm xin cấp visa, thuyết phục được viên chức lãnh sự rằng đương đơn hội đủ điều kiện được cấp visa.
Điều này có nghĩa là viên chức lãnh sự, theo tinh thần của điều luật, luôn xem như đương đơn đang có ý định định cư tại Hoa Kỳ cho đến khi đương đơn chứng minh được điều ngược lại. Bạn có thể đưa ra những chứng minh dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng khi tổng hợp lại thì chúng phải đủ thuyết phục viên chức lãnh sự tin rằng những mối ràng buộc về xã hội, gia đình, kinh tế và các ràng buộc khác ở Việt Nam là lý do buộc bạn phải rời khỏi Hoa Kỳ khi kết thúc thời gian lưu trú tạm thời. Bạn nên chuẩn bị để trình bày trường hợp của mình thật rõ ràng và chính xác. Bạn có thể yêu cầu buổi phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
Tại sao cuộc phỏng của tôi quá ngắn? Viên chức chỉ hỏi tôi một vài câu hỏi và hầu như không xem đến những giấy tờ của tôi?
Trong mỗi một ngày làm việc, một viên chức có thể phải phỏng vấn rất nhiều đương đơn trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, đơn xin visa của bạn nếu được hoàn tất đầy đủ đã bao gồm hầu hết các thông tin cần thiết cho việc xét cấp visa. Viên chức lãnh sự chỉ xem đến giấy tờ của bạn khi cần làm sáng tỏ hơn nữa hoàn cảnh của bạn.
Nếu được cấp visa công tác hoặc du lịch (B1/B2), tôi có thể ở Hoa Kỳ được bao lâu?
Visa là giấy phép để bạn xuất trình trước Cơ quan xuất nhập cảnh Hoa Kỳ và xin nhập cảnh vào lãnh thổ Hoa Kỳ.  Có sự khác nhau giữa thời gian hiệu lực của visa (dài nhất là một năm cho người Việt Nam) và thời gian được phép lưu lại Hoa Kỳ (có thể chỉ ngắn một vài ngày).  Ngày hết hạn của visa là ngày cuối cùng mà bạn được phép nhập cảnh Hoa Kỳ. Khi nhập cảnh, các viên chức Bộ An ninh nội địa (DHS) tại các cửa khẩu, chứ không phải các viên chức lãnh sự, sẽ quyết định thời gian bạn được phép ở lại Hoa Kỳ để hoàn thành mục đích của chuyến đi.
Nếu muốn lưu trú ở Hoa Kỳ lâu hơn thời hạn được phép, bạn phải gửi đơn yêu cầu gia hạn lưu trú đến Sở di trú Hoa Kỳ (USCIS). Sẽ có hình phạt đối với đương đơn nào lưu lại Hoa Kỳ quá thời hạn cho phép. Việc “ở quá hạn” dù chỉ một ngày cũng có thể ảnh hưởng rất xấu đến cơ hội được cấp visa trong tương lai.
Với visa dành cho khách thăm tôi có thể làm gì ở Hoa Kỳ?
Visa dành cho khách thăm là visa được cấp cho đương đơn lưu trú tạm thời ở Hoa Kỳ với mục đích công tác hoặc du lịch. “Công tác” nói chung không bao gồm các công việc sinh lợi nhuận, nhưng nó bao gồm hầu hết các hoạt động thương mại hợp pháp khác. Một đương đơn được cấp visa công tác có thể đến Hoa Kỳ để tiếp xúc với các đối tác kinh doanh, thương lượng hợp đồng, mua hàng hóa, giải quyết về tài sản, làm nhân chứng trong một phiên tòa, tham dự các hội nghị chuyên ngành hoặc thương mại, hay tiến hành các cuộc nghiên cứu độc lập.
“Du lịch" bao gồm các dạng tham quan, thăm bạn bè hay họ hàng, chữa bệnh, tham dự hội nghị, tọa đàm, các hiệp hội doanh thương hoặc các tổ chức xã hội, sự tham gia của các diễn viên hoặc vận động viên nghiệp dư vào các sự kiện âm nhạc hoặc thể thao không có thù lao, và các sự kiện hoặc các cuộc thi tương tự khác.
Tại cuộc phỏng vấn visa, bạn phải giải thích thật rõ ràng lý do muốn đến Hoa Kỳ. Viên chức phỏng vấn sẽ dựa vào đó quyết định loại visa thích hợp cho bạn.
Tôi là công dân Việt Nam. Tôi có thể xin cấp visa không di dân vào Hoa Kỳ tại Đại sứ quán/Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở nước khác được không?
Có thể. Tuy nhiên, chúng tôi KHÔNG khuyến khích bạn nộp đơn xin cấp visa không di dân vào Hoa Kỳ tại Đại sứ quán/Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở một nước thứ ba, ví dụ như Thái Lan, Ma-lai-xi-a, v.v… vì rất khó để  các viên chức lãnh sự ở các nước đó xác định được những rằng buộc chặt chẽ của bạn với đất nước của bạn và thường là các viên chức sẽ từ chối cấp visa và khuyên bạn về nộp đơn xin cấp visa vào Hoa Kỳ ở đất nước của mình.
Tôi có chồng/vợ là công dân Hoa Kỳ. Tôi có thể xin cấp visa du lịch để thăm chồng/vợ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ không?
Có thể. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn để đương đơn thuyết phục viên chức phỏng vấn rằng mình chỉ có ý định viếng thăm chồng/vợ trong thời gian ngắn, mà đó chính là điều kiện để được cấp visa du lịch. Khi viên chức lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao xem xét đơn xin cấp visa không định cư vào Hoa Kỳ, theo tinh thần của luật, luôn xem đương đơn như đang có ý định định cư tại Hoa Kỳ cho đến khi các đương đơn chứng minh được điều ngược lại. Nếu đương đơn đã bày tỏ ý định của mình sẽ định cư trong tương lai gần, thì sẽ vô cùng khó khăn cho đương đơn để chứng minh rằng mình sẽ không ở lại Hoa Kỳ sau khi đã nhận được visa du lịch vào Hoa Kỳ. Phần lớn đương đơn không thể trình bày “ý định kép” (có nghĩa là trước mắt đương đơn chỉ đi trong thời gian ngắn nhưng sau này sẽ đi định cư), điều này khiến cho đương đơn rất khó hội đủ điều kiện được cấp visa du lịch.

Đơn xin cấp visa không di dân của tôi đã bị từ chối. Tôi phải làm gì để xin cứu xét cho visa bị từ chối?
Theo qui định chung được áp dụng toàn cầu, bất kỳ đơn xin cấp visa không di dân nào, một khi đã bị từ chối theo Điều khoản 214(b), sẽ không được xem xét lại cho đến khi đương đơn đó xin tái phỏng vấn. Tiến trình đúng cho việc xin xem xét lại visa bị từ chối là đương đơn phải xin tái phỏng vấn để một viên chức lãnh sự khác xem xét lại đơn xin cấp visa của mình. Đương đơn phải đóng lại phí xin cấp visa và lấy ngày hẹn khác để tái phỏng vấn. Lưu ý rằng chúng tôi luôn khuyến cáo các đương đơn đã hơn một lần bị từ chối là KHÔNG nên tái phỏng vấn ngay cho đến khi tình trạng của đương đơn có sự thay đổi đáng kể, vì nếu không rất có thể đương đơn sẽ bị từ chối lần nữa.
Hộ chiếu của tôi đã hết hạn tuy nhiên visa vẫn còn giá trị và được ra vào nhiều lần, vậy tôi có phải xin visa mới không khi tôi có hộ chiếu mới?
Bạn không cần xin visa khác mà có thể sử dụng hộ chiếu cũ (có visa còn giá trị) và hộ chiếu mới để đến Hoa Kỳ.
Tôi có thể mua vé máy bay trước khi được cấp visa không?
Đương đơn không nên mua vé máy bay trước khi đương đơn được cấp visa và cũng không nên có kế hoạch cố định cho đến khi nhận được visa.
Visa du học
Tôi có thể tìm thêm thông tin về cơ hội học tập tại Hoa Kỳ ở đâu?
Trung tâm tư vấn giáo dục Hoa Kỳ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ cung cấp các thông tin về giáo dục Hoa Kỳ. Xin hãy tham khảo thêm về các dịch vụ tư vấn của Trung tâm tại trang web Education USA.
Tôi không thể tham dự phỏng vấn như đã hẹn.  Tôi có thể xin phỏng vấn vào một ngày khác được không?
Có. Bạn có thể đặt lại hẹn qua mạng.  Để biết thêm thông tin, xin xem phần “Nộp đơn xin visa”.  
Tôi nghe nói xin visa du học Mỹ rất khó, điều này có đúng không?
Có ba yêu cầu cơ bản mà học sinh/sinh viên phải đáp ứng khi xin visa du học Mỹ, đó là:
Bạn phải là học sinh/sinh viên nghiêm túc với mục đích đi du học thực sự.  Bạn nộp đơn xin visa du học nên mục đích vào Mỹ của bạn phải là để học. Viên chức lãnh sự sẽ cho rằng bạn phải trả lời được những câu hỏi cơ bản về trường mà bạn sẽ theo học, những khoá học mà bạn dự định học cũng như kế hoạch khi trở về Việt Nam, vì sao bạn quyết định chọn trường đó, v.v.
Bạn phải có đủ nguồn tài chính: Bạn phải cho viên chức Lãnh sự thấy bạn có đủ nguồn tài chính hỗ trợ trong suốt thời gian bạn theo học ở Hoa Kỳ. Sau đây là một số ví dụ về giấy tờ tài chính có thể chấp nhận được: học bổng, thư hỗ trợ tài chính của trường bạn theo học, giấy tờ kinh doanh của gia đình, biên lai thuế, giấy tờ nhà, đất hoặc sổ tiết kiệm. Thư xác nhận tiền gửi ngân hàng không được chấp nhận làm bằng chứng chứng minh nguồn tài chính.
Bạn phải trình bày được ý định quay trở về Việt Nam: Khi bạn nộp đơn xin visa du học, chúng tôi hiểu rằng bạn xin phép vào Hoa Kỳ trong một khoảng thời gian nhất định đủ để hoàn thành khoá học. Sau khi hoàn thành khoá học bạn phải quay trở về Việt Nam.
Tôi có thân nhân ở Hoa Kỳ, điều này có ảnh hưởng đến cơ hội được cấp visa du học của tôi không?
Không. Mọi đương đơn xin visa phải khai họ có thân nhân ở Hoa Kỳ hay không. Viên chức Lãnh sự hiểu việc có thân nhân sống ở nước ngoài là điều bình thường đối với mọi đương đơn, đặc biệt là đối với người miền Nam. Việc bạn ở với thân nhân cũng có thể được chấp nhận. Hãy thành thật về tình trạng của gia đình. Chúng tôi sẽ không cấp visa nếu chúng tôi nghĩ rằng bạn xin visa chỉ để đoàn tụ với gia đình ở Hoa Kỳ.
Thân nhân tôi ở Hoa Kỳ nộp hồ sơ bảo lãnh gia đình tôi đi định cư, vậy tôi có thể được cấp visa đi du học không?
Có. Tuy nhiên những người đã từng xin visa định cư sẽ khó khăn hơn trong việc chứng minh ý định quay trở về Việt Nam sau khi hoàn thành khoá học. Đôi khi đương đơn có thể trình bày ý định kép, có nghĩa là trước mắt đương đơn chỉ đi trong thời gian ngắn nhưng sau này sẽ đi định cư. Không có trường hợp nào giống trường hợp nào, nhưng lời khuyên tốt nhất cho mọi đương đơn là hãy thành thật về tình trạng gia đình và giải thích thật rõ ràng cho viên chức lãnh sự kế hoạch công việc sau khi hoàn thành khoá học ở Hoa Kỳ.
Các trung tâm dịch vụ visa có giúp tôi nhận được visa không?
Không. Đừng tin bất kỳ người nào nếu họ nói họ có thể giúp bạn lấy được visa. Cũng đừng trả tiền làm giấy tờ giả mạo vì viên chức Lãnh sự được đào tạo kỹ năng phát hiện giấy tờ giả cũng như những lời khai man.
Tôi nói tiếng Anh không được tốt, tôi có thể phỏng vấn bằng tiếng Việt được không?
Có. Các viên chức Lãnh sự đều biết tiếng Việt và chúng tôi có phiên dịch người Việt Nam.
Làm thế nào để đóng phí SEVIS?
Để biết thông tin về cách trả lệ phí SEVIS, xin xem trang thông tin của Cơ quan thực thi luật nhập cư và hải quan Hoa Kỳ (USICE)
Nếu tôi có đầy đủ các loại giấy tờ theo yêu cầu, tôi có được cấp visa du học không?
Nhiều đương đơn xin visa du học không hiểu tại sao sau khi đã trình mẫu I-20 của trường mà mình chọn để học tại Hoa Kỳ cùng các thông tin khác mà vẫn không được cấp visa. Theo luật pháp Hoa Kỳ, tất cả du học sinh xin visa không định cư phải đưa ra những chứng minh đủ để thuyết phục viên chức lãnh sự thấy rằng du học sinh đó sẽ rời khỏi Hoa Kỳ trước khi hết thời gian được phép lưu trú.
Đối với visa du học, du học sinh có thể dự định ở lại Hoa Kỳ nhiều tháng, nhiều năm để theo đuổi khóa học. Do đó, viên chức lãnh sự phải xem xét toàn bộ hoàn cảnh của du học sinh trước khi quyết định cấp visa.
Viên chức lãnh sự phải từ chối không cấp visa du học khi mục đích của du học sinh không phải là việc học, mà là cư trú tại Hoa Kỳ lâu dài. Do đó, việc du học sinh được chấp nhận vào học và được cấp I-20 chỉ là một trong các yếu tố được xem xét thôi.
Với visa du học, tôi được ở lại Hoa Kỳ bao lâu?
Khi nhập cảnh vào Hoa Kỳ bằng visa du học, du học sinh được phép lưu trú tại Hoa Kỳ trong suốt khoảng thời gian dự định học. Điều này có nghĩa là du học sinh có thể ở lại Hoa Kỳ ngay cả khi visa du học (F1) dán trong hộ chiếu đã hết hạn miễn là du học sinh đó vẫn là học sinh đang đi học hợp pháp.
Tôi mới bị từ chối visa du học theo điều khoản 214(b) của Luật Di dân Hoa Kỳ, điều này có nghĩa là gì? Liệu tôi có được nộp đơn xin visa lại không và khi nào thì nộp?
Đương đơn xin visa du học thường bị từ chối theo một trong những lý do sau: (a) bạn không thuyết phục được viên chức phỏng vấn rằng mục đích của bạn là đi học thực sự hoặc bạn có khả năng học tốt ở Hoa Kỳ; (b) bạn không thuyết phục được viên chức lãnh sự bạn có đủ nguồn tài chính chi trả cho việc học; (c) bạn không thuyết phục được viên chức ý định quay trở về Việt Nam sau khi hoàn thành khoá học ở Hoa Kỳ. Bạn có thể xin tái phỏng vấn bất kì lúc nào, tuy nhiên bạn nên xem xét thật kỹ hồ sơ trước khi tái phỏng vấn. Tại cuộc tái phỏng vấn bạn phải chuẩn bị giải thích rõ (a) kế hoạch học tập; (b) tình hình tài chính; (c) kế hoạch sau khi bạn hoàn thành khoá học ở Hoa Kỳ.
Tôi sẽ về thăm gia đình. Visa du học của tôi được ra vào nhiều lần và vẫn còn hiệu lực, nhưng tôi đã chuyển sang trường học khác. Tôi có cần phải xin cấp visa du học mới trong khi visa du học cũ của tôi vẫn còn hiệu lực?
Nếu visa du học của bạn vẫn còn hiệu lực, bạn có thể rời Hoa Kỳ khoảng một thời gian ít hơn 5 tháng và được phép quay trở lại Hoa Kỳ để tiếp tục khoá học.
Visa chương trình đi du lịch và làm việc ở Hoa Kỳ trong dịp nghỉ hè (SWT)
Với những sinh viên quan tâm đến chương trình Du lịch và làm việc ở Hoa Kỳ trong dịp nghỉ hè (SWT), xin hãy ghi nhớ hai nguyên tắc cơ bản sau đây trước khi bạn đặt ra các câu hỏi tiếp theo về chương trình này:
Đại sứ quán Hoa Kỳ và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại t/p HCM đã quyết định thời gian cho sinh viên Việt Nam tham gia chương trình SWT năm 2012 là từ 18/6 đến 20/8/2012.
Các quy định của chương trình tuyệt đối nghiêm cấm sinh viên làm việc trong khi trường học chính thức mở cửa và quy định này sẽ được áp dụng thay thế thời hạn nói trên nếu trường học của bạn bắt đầu nghỉ hè sau ngày 18/6 hoặc kết thúc kỳ nghỉ hè chính thức trước ngày 20/8.
Tại sao Đại sứ quán lại giới hạn thời gian tôi được phép làm việc tại Hoa Kỳ?
Bởi vì Luật pháp Hoa Kỳ chỉ cho phép sinh viên tham gia chương trình SWT trong thời gian trường Đại học của họ chính thức cho nghỉ (nhà trường đóng cửa cho học sinh nghỉ hè).  Chúng tôi đã chọn khoảng thời gian từ 18/6 đến 20/8/2012 để tạo điều kiện tối đa cho các sinh viên Việt nam tham gia chương trình SWT, bởi vì phần lớn lịch nghỉ hè chính thức của các trường rơi đều vào khoảng thời gian này, và đồng thời vẫn tuân thủ Luật pháp Hoa Kỳ trong việc nghiêm cấm sinh viên làm việc trong khi trường học của họ chính thức mở cửa.
Tôi nghe nói rằng có những người đã bị từ chối visa vì năm trước họ đã làm việc quá thời gian Đại sứ quán cho phép?  Điều này có đúng không?
Đúng vậy, bất kỳ người nào vi phạm Luật pháp Hoa Kỳ, bao gồm cả việc sinh viên làm việc trong thời gian nhà trường đang dạy/học hoặc làm việc quá thời hạn mà visa của họ cho phép sẽ không được cấp visa J1 khác.
Tôi có được cấp visa với thời hạn khác nhau tuỳ thuộc vào việc tôi xin visa tại thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội hay không?  Xin visa ở đâu tốt hơn?
Không, cả hai cơ quan này đều phải tuân thủ theo Luật pháp Hoa Kỳ và sử dụng những tiêu chí chung trong việc xét đơn xin bất kỳ loại visa nào.
Tôi có được phép ở lại Hoa Kỳ để làm việc lâu hơn thời hạn chính thức của chương trình SWT không nếu như trường học của tôi cho phép tôi nghỉ học thêm một vài tuần để tham gia chương trình này?
Bạn chỉ được phép làm việc ở Mỹ theo chương trình SWT từ ngày 18/6 đến hết ngày 20/8.  Những sinh viên mà trường học của họ có kỳ nghỉ hè chính thức hoàn toàn nằm ngoài khoảng thời gian thừ 18/6 đến 20/8 sẽ không đủ điều kiện để tham gia chương trình SWT này.
Trường học của tôi vận hành theo chương trình cấp tín chỉ và tôi đã được nhà trường cho phép hoãn lại một học kỳ để tham gia chương trình SWT trong vòng 4 tháng.  Tôi có đủ điều kiện để tham gia chương trình SWT không?
Không, sinh viên của những trường Đại học/Cao Đẳng vận hành theo chương trình cấp tín chỉ không đủ tiêu chuẩn để tham gia chương trình SWT
Tôi là sinh viên năm cuối và tôi sẽ không phải lên lớp trong mùa Thu tới.  Tôi có được phép ở lại Hoa Kỳ làm việc lâu hơn không?
Gần đây, điều luật liên quan đến chương trình làm việc và du học hè đã có thay đổi. Từ mùa hè 2012, tất cả sinh viên phải tuân theo một khung thời gian chung. Vì vậy, sinh viên năm cuối cũng KHÔNG được phép làm việc tại Hoa Kỳ lâu hơn. Sinh viên đã tốt nghiệp và dự định tham gia vào chương trình này trong kì nghỉ hè dài sau khi tốt nghiệp cũng không được hưởng một khung thời gian riêng. Mỗi quốc gia chỉ được phép có một khung thời gian duy nhất.
Visa Hoa Kỳ của tôi có giá trị trong vòng 9 tuần, và tôi sẽ được phép đến Hoa Kỳ sớm 30 ngày so với ngày mà chương trình của tôi bắt đầu và ở lại thêm 30 ngày sau ngày visa hết hạn cho mục đích du lịch. Tôi có được phép làm việc trong hai khoảng thời gian 30 ngày này không?
Không, bạn không được phép làm việc trong hai khoảng thời gian này. Tuy nhiên, bạn vẫn được phép lưu lại Hoa Kỳ trong hai khoảng thời gian này cho mục đích du lịch, nhưng chỉ với điều kiện trường đại học bạn hiện theo học vẫn đang trong kì nghỉ hè chính thức.
*Việc vi phạm luật pháp Hoa Kỳ, bao gồm việc vi phạm những quy định của chương trình làm việc và du học hè, có thể ảnh hưởng không tốt cho những đơn xin visa vào Hoa Kỳ trong tương lai.
Dịch vụ du lịch đã đề nghị sẽ cung cấp cho tôi các giấy tờ giả (học bạ, giấy xác nhận ngân hàng, hợp đồng lao động, chứng từ khai thuế…) để giúp tôi nhận được visa. Tôi sẽ bị phạt theo hình thức nào trong trường hợp tôi cung cấp các giấy tờ giả mạo cho viên chức tại buổi phỏng vấn?
Nếu bạn nộp giấy tờ giả tại Đại sứ quán Hoa Kỳ để củng cố cho hồ sơ xin visa, bạn có thể bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ vĩnh viễn. Điều này có nghĩa là không chỉ hồ sơ xin visa hiện tại bị từ chối, mà tất cả các hồ sơ xin visa sẽ nộp trong tương lai cũng bị từ chối. Hãy lưu ý điều này khi xin visa Hoa Kỳ.
Khách tham dự hội thảo APEC 
Nếu tôi có thẻ APEC (hay còn gọi tắt là ABTC), tôi có phải xin visa không?
Có, bạn vẫn cần visa nhập cảnh Hoa Kỳ trừ khi bạn đủ điều kiện của Chương trình miễn visa (VWP).  Việc sở hữu Thẻ APEC (ABTC) không có ảnh hưởng đến việc phải xin visa, loại visa, hay quá trình xem xét visa nhập cảnh Hoa Kỳ.
Tôi có thể sử dụng thẻ ABTC như thế nào khi xin visa?
Bạn vẫn phải phỏng vấn xin visa vì Luật pháp Hoa Kỳ yêu cầu phỏng vấn visa trong hầu hết các trường hợp.  Việc sở hữu Thẻ APEC (ABTC) không giúp quý khách được miễn trừ yêu cầu này.
Tuy nhiên, nếu bạn tham dự Hội nghị APEC tại Hoa Kỳ (thậm chí nếu bạn không có thẻ APEC), bạn sẽ được tham gia vào chương trình hỗ trợ thương mại của Đại sứ quán Hoa Kỳ, trong đó cho phép phỏng vấn visa sớm. Để đặt lịch hẹn phỏng vấn sớm.
Khi điền đơn trên trang web, bạn phải ghi rõ hội nghị APEC mà bạn sẽ tham dự. Chúng tôi trả lời yêu cầu đặt lịch hẹn phỏng vấn sớm qua email trong vòng hai ngày làm việc.
Đơn vị tổ chức hội nghị hoặc Ban thư ký APEC có giúp đỡ tôi xin visa không?
Không, mỗi công dân nước ngoài phải chịu trách nhiệm việc xin visa của mình.
Có thể xin visa trong một thời gian ngắn không?
Quá trình xem xét visa rất khác nhau giữa các khu vực. Bạn nên xin visa sớm nhất có thể. Khách tham dự Hội nghị APEC nên xem trang web của Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Hoa Kỳ gần nhất để biết thêm thông tin về thời gian đặt lịch hẹn phỏng vấn và các yêu cầu xem xét cấp visa. Bạn có thể tìm địa chỉ trang web của Đại sứ quán và Lãnh sự quán Hoa Kỳ.
Tôi đến từ nước/nền kinh tế nằm trong Chương trình miễn visa. Vậy tôi có cần xin visa?
Nếu bạn đại diện cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, bạn có thể tham dự Hội nghị APEC theo Chương trình miễn visa. Tuy nhiên, nếu bạn tham dự hội nghị với tư cách là công chức hoặc nhà ngoại giao hoặc nếu bạn là nhà báo đi đưa tin Hội nghị, bạn cần xin đúng loại visa, ngay cả khi bạn là công dân của nước nằm trong Chương trình miễn visa.
Tôi cần xin loại visa nào?
Khách tham dự Hội nghị APEC đại diện cho chính phủ nước ngoài và là thành viên của truyền thông, báo chí phải xin đúng loại visa. Người đứng đầu nhà nước, chính phủ và các cấp tương đương phải xin loại visa A-1. Các đại diện khác của các nền kinh tế thành viên APEC phải xin loại visa A-2 nếu nền kinh tế của chính phủ nước đó được Hoa Kỳ thừa nhận hợp pháp. Lưu ý rằng các cá nhân được chính phủ nước ngoài cử đi tháp tùng đoàn làm việc chính thức tại APEC, chứ không đại diện chính phủ nước đó thực thi công vụ tại Hoa Kỳ phải xin loại visa khác, không phải loại visa A-2. Những thành viên này của đoàn sẽ phải xin loại visa B-1 nếu không phải là thành viên đến từ các nước thuộc Chương trình miễn visa hoặc Canada.
Những quý khách khác tham dự Hội nghị APEC có thể đi bằng visa B-1 hoặc đi theo Chương trình miễn visa nếu đến từ nước nằm trong Chương trình miễn visa. Lưu ý rằng khách tham dự Hội nghị là công dân Canada không cần visa. Đơn xin visa phải được nộp càng sớm càng tốt. Đại diện của các hãng truyền thông được chính thức công nhận đưa bài về sự kiện APEC cần xin visa I.
Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tài trợ chuyến đi của một số quý khách tham gia Hội nghị theo diện Khách trao đổi với visa J-1. Trong những trường hợp đó, đơn vị tài trợ sẽ cung cấp thêm thông tin.
Tôi phải làm gì để có đủ điều kiện được cấp thẻ APEC (ABTC)?
Để có đủ điều kiện được cấp thẻ ABTC, các doanh nhân phải chứng minh họ: có hộ chiếu do một nền kinh tế thành viên cấp (hoặc doanh nhân là người thường trú tại Hồng Kông có giấy tờ du lịch hợp lệ); thường xuyên đi lại để thực hiện các hoạt động kinh doanh và đầu tư trong khu vực APEC; và chưa bị kết án tội phạm hình sự. Mỗi nền kinh tế thành viên xem xét chặt chẽ các điều kiện được cấp thẻ ABTC tại nước của mình và tiểu sử hình sự của đương đơn trước khi gửi đơn tới các nền kinh tế khác để họ xem xét duyệt cấp. Mỗi nền kinh tế có quyền đồng ý cấp hoặc từ chối cấp thẻ ABTC cho đương đơn và có quyền thiết lập thủ tục xem xét cấp thẻ riêng. Mỗi nền kinh tế thành viên không bị bắt buộc phải cung cấp lý do từ chối cấp thẻ cho đương đơn. Để biết thêm thông tin về thẻ ABTC, xin mời xem: Business Mobility
Tôi là công dân Hoa Kỳ. Tôi có thể xin cấp thẻ ABTC không?
Hoa Kỳ hiện tại chưa phát hành thẻ ABTC.
Những thắc mắc thường gặp về Đơn điện tử trực tuyến Xin Visa không định cư DS-160
Thông báo quan trọng: Tất cả các đương đơn trên thế giới xin visa không định cư bắt buộc phải dùng Đơn điện tử trực tuyến Xin Visa không định cư DS-160, ngoại trừ các đương đơn xin visa K phải dùng đơn DS-156 và đơn DS-156K.
Xem các Thắc mắc thường gặp quan trọng bên dưới để biết thêm thông tin. Đồng thời vào Trang thông tin đơn DS-160 để biết thêm thông tin chung về đơn trực tuyến.
Truy cập đơn DS-160
Tôi có thể tìm đơn DS-160 ở đâu?
Truy cập đơn DS-160 ở đây, chọn:  Trang web của Trung tâm hồ sơ điện tử lãnh sự.
Tôi không thể truy cập đơn DS-160.
Chúng tôi khuyến khích bạn dùng trình duyệt Internet Explorer hoặc Firefox để truy cập đơn DS-160.
Điền đơn DS-160
Thông báo quan trọng: Bạn nên lưu tâm trả lời các câu hỏi trong đơn DS-160 chính xác và hoàn chỉnh; nếu không, bạn phải sửa lại đơn và đặt lại lịch hẹn phỏng vấn.
Nộp đơn DS-160 trực tuyến chỉ là bước đầu tiên trong quá trình xin visa. Sau khi nộp đơn DS-160 trực tuyến, bạn phải liên lạc với Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán nơi bạn muốn xin visa để xác nhận là bạn có cần phải phỏng vấn với viên chức lãnh sự hay không, và đặt lịch hẹn. Bạn có thể xem danh sách các Đại sứ quán và Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại đây, bạn có thể tìm thấy thông tin về việc đăt hẹn tại đường dẫn tới trang web của các Đại sứ quán và Lãnh sự quán Hoa Kỳ.  Nếu Đại sứ quán và Lãnh sự quán nơi bạn xin visa thông báo rằng bạn cần phải phỏng vấn visa thì quá trình xin visa chỉ hoàn thiện khi bạn đến phỏng vấn với viên chức lãnh sự.
Tôi cần có sẵn những giấy tờ gì khi điền đơn DS-160?
Bạn nên có sẵn những giấy tờ sau trong khi điền đơn DS-160:
  • Hộ chiếu
  • Lịch trình chuyến đi, nếu bạn đã có lịch trình cụ thể.
  • Thời gian của năm chuyến đi Hoa Kỳ trước đây của bạn, nếu bạn đã từng đến Hoa Kỳ trước đây. Bạn cũng sẽ được hỏi về các chuyến đi nước ngoài trong vòng năm năm gần đây. 
  • Sơ yếu lý lịch – Bạn có thể được yêu cầu cung cấp thông tin về việc học tập và làm việc của bạn hiện tại cũng như trong quá khứ. 
  • Các thông tin khác – Nhiều đương đơn, căn cứ vào mục đích chuyến đi, có thể được yêu cầu cung cấp thêm thông tin khi điền đơn DS-160.
Nhiều đương đơn sẽ cần thêm thông tin và các giấy tờ khác khi điền đơn DS-160:
  • Sinh viên và Khách trao đổi (Visa F, J, và M): Bạn sẽ được yêu cầu cung cấp số SEVIS in trên đơn I-20A, I-20B, I-20MN, hoặc DS-2019 của bạn, vì vậy bạn phải có sẵn các đơn này khi điền đơn DS-160. Bạn cũng sẽ được yêu cầu cung cấp địa chỉ của trường/chương trình nơi bạn dự định học. Thông tin này có trên đơn I-20 hoặc DS-2019. 
  • Lao động làm việc ngắn hạn (Visa H-1B, H-2, H-3, CW1, L, O, P, R, E2C): Bạn cần phải có sẵn bản sao đơn I-129 khi điền đơn DS-160. 
  • Các dạng lao động tạm thời khác:  Bạn sẽ được hỏi các thông tin về công ty thuê bạn, bao gồm cả địa chỉ công ty, khi điền đơn DS-160.   
Tôi có thể trả lời bằng tiếng bản ngữ?
Không. Tất cả các câu trả lời phải bằng tiếng Anh, chỉ sử dụng từ tiếng Anh, ngoại trừ việc bạn được yêu cầu cung cấp họ tên đầy đủ bằng tiếng bản ngữ. Đương đơn nộp đơn bằng các ngôn ngữ khác không phải là Tiếng Anh sẽ bị từ chối, và bạn có thể được yêu cầu nộp đơn mới.
Mặc dù bạn phải trả lời các câu hỏi bằng tiếng Anh, bản dịch câu hỏi bằng nhiều ngôn ngữ có sẵn ở hộp thoại ở góc phía trên bên phải của đơn. Các bản dịch này sẽ hỗ trợ bạn trong việc điền đơn bằng tiếng Anh.
Các câu hỏi trên đơn DS-160 có bắt buộc không?
Hầu hết các câu hỏi là bắt buộc và phải được trả lời vào khoảng trống sẵn có. Bạn có thể để trống nếu câu hỏi được đánh dấu là “tuỳ chọn”. Bạn có thể trả lời câu hỏi là “Không áp dụng”, khi câu hỏi không áp dụng cho bạn; tuy nhiên, tất cả các câu hỏi đều phải được trả lời. Hệ thống sẽ không cho phép bạn nộp đơn khi bất kì câu hỏi bắt buộc nào chưa được trả lời. Nếu bạn không hoàn thiện câu hỏi bắt buộc, hệ thống sẽ hiển thị thông điệp báo lỗi và yêu cầu bạn trả lời câu hỏi trước khi tiếp tục điền đơn. Nếu bạn không trả lời các câu hỏi áp dụng cho hoàn cảnh và/hoặc mục đích chuyến đi của mình, hệ thống sẽ không chấp nhận đơn của bạn.
Tôi kí đơn DS-160 như thế nào?
Bạn kí điện tử đơn DS-160 bằng cách chọn nút “Kí đơn” ở cuối đơn. Không kí đơn có thể khiến cho việc điền đơn bị gián đoạn. Chữ kí điện tử của bạn xác nhận rằng bạn đã đọc và hiểu tất cả các câu hỏi trong đơn và tất cả các câu trả lời của bạn đều đúng và chính xác dựa trên mọi hiểu biết và niềm tin của bạn. Việc nộp đơn có thông tin sai hoặc những trình bày nhầm lẫn sẽ dẫn đến việc từ chối visa vĩnh viễn hoặc từ chối nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Tất cả các tuyên bố trong đơn là các tuyên bố không được tuyên thệ và phải chịu hình phạt nếu khai không đúng sự thật.
Dấu vân tay của bạn sẽ được quét điện tử vào ngày phỏng vấn, trừ khi bạn được miễn đến trực tiếp. Bằng việc cung cấp dấu vân tay, bạn tái khẳng định rằng bạn đã trả lời tất cả các câu hỏi trong đơn DS-160 trung thực và dựa trên mọi hiểu biết của bạn, và rằng bạn sẽ nói sự thật trong buổi phỏng vấn của mình. Bạn sẽ được hướng dẫn để đọc những lời tuyên bố sau đây trước khi lấy dấu vân tay:
“Bằng việc cung cấp dấu vân tay, tôi xin xác nhận trước pháp luật rằng tôi đã đọc và hiểu các câu hỏi trong đơn xin visa của tôi và rằng tất cả các trình bày của tôi trong đơn xin visa là chính xác và hoàn chỉnh dựa trên mọi hiểu biết và niềm tin của tôi.
Tôi cũng xin xác nhận trước pháp luật rằng tôi sẽ nói sự thật trong buổi phỏng vấn của tôi và tất cả các trình bày của tôi trong buổi phỏng vấn sẽ hoàn chỉnh dựa trên mọi khả năng của tôi.”
Lưu lại đơn DS-160 và Quay trở lại đơn DS-160 đang điền dở
Tôi phải làm gì để lưu lại đơn của mình? Tôi có thể dừng lại ở giữa đơn và quay trở lại sau được không?
Bạn có thể lưu đơn của mình hoặc quay trở lại đơn đang điền dở. Khi bạn bắt đầu một đơn DS-160 mới, bạn sẽ được cấp một mã số xác nhận duy nhất, sau khi chọn và trả lời câu hỏi bảo mật. Một khi đã có mã số xác nhận, chọn và trả lời câu hỏi bảo mật, bạn có thể thoát khỏi đơn DS-160 và quay trở lại sau. Bạn phải có mã số xác nhận để quay trở lại đơn của mình.  Để lưu đơn DS-160 vào trang web của Trung tâm hồ sơ lãnh sự điện tử, chọn nút “Next” ở cuối mỗi trang bạn vừa hoàn thiện. Bạn có 30 ngày để quay trở lại đơn đang điền dở. Để truy cập vào đơn sau 30 ngày, bạn phải lưu đơn vào ổ cứng máy tính hoặc đĩa, như giải thích trong mục thắc mắc bên dưới
Tôi phải làm gì để lưu đơn DS-160 vào ổ cứng máy tính hoặc đĩa?
Lưu đơn vào ổ cứng máy tính hoặc đĩa sẽ cho phép bạn truy cập lại đơn sau 30 ngày hoặc hơn. Để lưu đơn vĩnh viễn vào ổ cứng máy tính hoặc đĩa, chọn nút “Save Application to File”. Sau đó, chọn nút “Save” trên cửa sổ Lưu tệp dữ liệu. Chọn nơi trên máy tính để lưu đơn, dẫn tới nơi đó và chọn nút “Save” trên cửa “Save As”. Hệ thống sẽ tải đơn của bạn vào địa điểm đã xác định. Sau khi hoàn thành việc tải đơn, bạn có thể chọn “Close” để trở về đơn hiện tại trên trang web của chúng tôi. Chý ý: Đơn được lưu vào ổ cứng của máy tính công cộng hoặc vào các thiết bị có bộ nhớ có thể bị người dùng máy tính hoặc thiết bị sau bạn truy cập.
Tôi thường xuyên xin visa vào Hoa Kỳ. Tôi có thể dùng lại đơn DS-160?
Có, bạn có thể sử dụng thông tin từ đơn DS-160 trước để điền một số mục trong đơn mới. Có hai cách để bạn làm điều này. Cách thứ nhất, nếu bạn dự định xin visa trong tương lai, lưu đơn DS-160 vào ổ cứng hoặc đĩa theo hướng dẫn ở mục thắc mắc phía trên. Khi bạn muốn xin visa mới, bạn có thể chọn “Option B-Upload a Previously Saved Application” ở trang Getting Started. Nếu đơn xin visa trước đây của bạn được nộp sau ngày 1 tháng 11 năm 2010, bạn có thể chọn “Option C-Retrieve Application,” nhập vào mã số xác nhận trước đây, rồi chọn “Create a New Application.” Sau đó, các thông tin cá nhân của bạn sẽ hiện ra trong đơn. Cẩn thận kiểm tra xem các thông tin khai báo trước đây có chính xác và phù hợp với hiện tại hay không.
Tôi phải làm gì nếu tôi mất kết nối mạng, đơn “hết thời gian chờ,” hoặc tôi nhận được thông báo lỗi? Tôi có bị mất đơn không?
Tất cả các thông tin đều được lưu tự động sau khi bạn điền hoàn chỉnh một trang. Vì vậy đơn của bạn sẽ không bị mất. Bạn cần nhập mã số xác nhận và trả lời tất cả các câu hỏi xuất hiện sau đó để lấy lại đơn. Một khi bạn đã lấy lại được đơn, đơn sẽ bắt đầu từ trang cuối cùng mà bạn hoàn thành. Nếu cần, bạn có thể chỉnh sửa các trang trước.
Tại sao tôi không lưu được những chỉnh sửa đã được thực hiện từ đường dẫn “edit” của trang xem lại?
Để lưu lại những thay đổi thông tin từ đường dẫn của trang xem lại, thay vì dùng nút quay lại/ tiếp theo của trình duyệt hoặc các nút dọc màn hình, bạn phải dùng những nút ở phía cuối mỗi trang để điều chỉnh.
Trang xác nhận DS-160
Tôi có nên mang tất cả đơn hay chỉ cần mang trang xác nhận đến phỏng vấn?
Bạn không cần mang tất cả đơn. Khi đến phỏng vấn, bạn được yêu cầu mang trang xác nhận với mã số xác nhận (mã vạch) để chúng tôi có thể đọc được đơn DS-160 của bạn.  Bạn phải mang theo trang xác nhận trong suốt quá trình xin visa. Nếu không có trang xác nhận, chúng tôi không thể tiến hành xử lý trường hợp xin visa của bạn.
Tôi đã nộp đơn DS-160 trên mạng, nhưng tôi làm mất trang xác nhận. Tôi có thể in được trang mới?
Có, bạn có thể in lại trang xác nhận của đơn đã nộp. Để in lại, bạn vàoTrang web của Trung tâm hồ sơ điện tử lãnh sự và chọn Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán nơi bạn nộp hồ sơ. Chọn “Option C-Retrieve Application” trên trang Getting Started và điền mã số xác nhận của bạn. Từ đó bạn có thể xem và in trang xác nhận.
Chương trình làm lại visa qua đường bưu điện
Visa của tôi chưa hết hạn nhưng tôi dự định nhập cảnh Hoa Kỳ sau ngày visa hết hạn. Tôi có thể làm visa mới trước khi visa hết hạn được không?
Có, bạn có thể làm visa mới ngay cả khi visa chưa hết hạn.
Thu phí bằng tiền Việt Nam Đồng và thêm 7 điểm thu phí 
Đại sứ quán quyết định tỉ giá bằng cách nào?  Tỉ giá được điều chỉnh ra sao?
Tỉ giá được quyết định dựa trên tỉ giá mà Viên chức Phụ trách Chi tiêu của Chính phủ Hoa Kỳ quyết định.  Chúng tôi sẽ điều chỉnh tỉ giá khi cần, theo sự dao động của tỉ giá.
 Việc thu phí bằng tiền Đồng Việt Nam sẽ có hiệu lực từ ngày nào?  Sau ngày đó, tôi có thể nộp phí bằng tiền Đô-la Mỹ không?
Citibank Hà Nội và Citibank thành phố Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu thu phí xét đơn visa bằng tiền Đồng Việt Nam từ ngày 8/8/2013.  Bắt đầu từ ngày này, cả ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đương đơn sẽ không nộp phí bằng tiền Đô-la Mỹ nữa.
 Nếu tôi đã nộp phí bằng tiền Đô-la Mỹ từ trước và có hẹn phỏng vấn sau ngày 8/8/2013 thì có sao không?
Dù bạn nộp phí bằng loại tiền nào thì hóa đơn của bạn vẫn có giá trị.
 Đại sứ quán chọn bảy thành phố để đặt thêm điểm thu phí xét đơn gia hạn visa   theo tiêu chí nào?
Bảy thành phố (Vinh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt và Cần Thơ) được chọn trên cơ sở điều tra của chúng tôi về các tỉnh/thành phố có số lượng đương đơn xin visa không định cư lớn nhất.
Những ai có thể nộp phí xét đơn visa tại các điểm thu mới, và đó là loại phí nào?
Đương đơn có thể nộp loại phí 3,440,000VND (cho phần lớn các loại visa) hoặc loại phí 4,085,000VND (cho các loại visa theo giấy phép làm việc của Bộ An ninh Nội địa) tại 7 chi nhánh của Eximbank.  Chúng tôi tin rằng đây là bước tiến đáng kể dành cho đương đơn tại các khu vực này, đặc biệt là những người gia hạn visa bằng cách gửi hồ sơ qua đường bưu điện tới Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội sẽ không phải đến Citibank Hà Nội để nộp phí nữa.  Ngay cả nếu đương đơn phải đến Đại sứ quán hoặc Tổng Lãnh sự quán để phỏng vấn, hoặc đến Tổng Lãnh sự quán để gia hạn visa bằng cách nộp hồ sơ trực tiếp, việc nộp phí tại nơi cư trú cũng giúp đương đơn giảm thiểu thời gian lưu trú tại Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi xin visa theo giấy phép làm việc của Bộ An ninh Nội địa, nhưng tôi đã nộp VND3,440,000 ở Citibank/Eximbank.  Tôi có thể nộp thêm $30 ở Citibank được không?
Không, Citibank không thể thu $30.  Bạn sẽ phải nộp khoản $30 này (tiền đô-la Mỹ, trả bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng) tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội hoặc Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày phỏng vấn visa.  Nếu bạn gia hạn visa qua đường bưu điện tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội, vui lòng gửi email đến địa chỉVisaHanoi@state.gov để đặt hẹn đến nộp thêm phí.  Nếu bạn xin cấp lại visa bằng cách nộp đơn trực tiếp tại Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thành phố Hồ Chí Minh, vui lòng mang theo $30 (tiền đô-la Mỹ, trả bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng) khi đi nộp đơn.
 Tại sao Thu ngân ở Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán không nhận tiền Đồng?
Do hạn chế về cơ sở vật chất nên Thu ngân ở Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán không thể thu phí bằng tiền Đồng Việt Nam.  Chúng tôi nhận đô-la Mỹ, trả bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng.
Nếu tôi nộp nhầm loại phí cao hơn, tôi có được lấy lại tiền thừa không?
Có, nếu chúng tôi xác định rằng bạn đã nộp nhầm mức phí cao hơn, chúng tôi sẽ có quy trình để bạn lấy lại tiền thừa ở Citibank.  Nếu bạn không chắc mình xin visa loại nào và phải nộp phí bao nhiêu, bạn nên nộp mức phí thấp hơn (VND3,440,000) tại Citibank, sau đó nộp thêm $30 tại Đại sứ quán hoặc Tổng Lãnh sự quán vào ngày phỏng vấn visa, nếu cần.
Câu hỏi khác
Tên tôi là Nguyễn Thị Thu Trang. Tôi đã xin visa đi Mỹ vào tuần trước. Ngày hôm qua tôi đã nhận lại được hộ chiếu có visa Mỹ. Tuy nhiên, trên visa tôi nhận thấy thứ tự tên tôi đã được thay đổi lại thành:
Họ: Nguyễn
Tên: Trang Thị Thu
Đề nghị phòng lãnh sự sửa lại lỗi này cho tôi.
Đây không phải là lỗi. Theo đúng như quy định, visa được in theo thứ tự: Họ, sau đó là Tên (Tên gồm Tên đứng trước và Tên đệm đứng sau).